Thường câu hỏi của các bạn muốn start-up F&B là “cần bao nhiêu vốn” hoặc là “cần mua sắm gì để mở quán”. Vốn hay thiết bị đều rất quan trọng, nhưng chỉ là những yếu tố ở giai đoạn sau. Để thành công trong F&B không hề dễ dàng, nó đòi hỏi bạn phải hiểu rõ từng ngóc ngách trong hoạt động của F&B để có thể vận hành tốt nhất, và không bị lệ thuộc vào bất cứ nhân viên, hay nhà cung cấp nào. Vậy nên, trước khi mở cửa hàng kinh doanh đầu tiên, bạn nên chuẩn bị những kiến thức F&B sau đây.
1. Kiến thức nấu ăn, pha chế
Một vấn đề mà các chủ nhà hàng, quán cà phê thường gặp phải là họ bị lệ thuộc vào ‘chuyên gia’ – người đầu bếp hoặc nhân viên pha chế. Một số chọn giải quyết bằng cách chia phần trăm doanh thu cho người chuyên gia này. Các chuỗi franchise lớn cố gắng hạn chế vấn đề này bằng cách đơn giản hoá quy trình chế biến, hoặc tách phần chế biến phức tạp ra để vận hành ở Commissary. Thế còn những doanh nghiệp nhỏ? Lời khuyên là các chủ doanh nghiệp nên – bắt buộc – phải học nấu ăn / pha chế.
Việc học ở đây không có nghĩa là người chủ doanh nghiệp phải học tất cả các khoá cần thiết để trở thành đầu bếp hay bartender hạng nhất, nhưng hãy học đủ để hiểu back-of-the-house (trái tim của cửa hàng) hoạt động như thế nào. Bạn có thể sử dụng những dịch vụ tư vấn menu, tư vấn set up để giúp bạn phát triển món ăn, nhưng hãy chắc chắn là bản thân bạn tham gia hết tất cả các buổi training để làm ra sản phẩm. Hãy học ở tất cả các vị trí, đặt mình ở vị trí người nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế, nhân viên bếp. Bạn có dễ dàng thực hiện các yêu cầu của món ăn, thức uống đề ra không? Để làm được điều này, bạn có cần kỹ năng hay kiến thức gì đặc biệt không? Từng vị trí có những khó khăn gì không, có thể cải tiến được gì không? Hãy học hết tất cả. Cuối cùng thì, bạn là người chịu trách nhiệm, và hưởng thành quả của cửa hàng, chứ không thể lệ thuộc vào ai được.
2. Kiến thức tài chính
Tháng 5 năm 2019, tất cả nhà hàng của đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver tuyên bố phá sản. Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng sự thật là có rất nhiều đầu bếp, bartender lành nghề hay barista chuyên nghiệp nghỉ việc để mở cửa hàng riêng, và rồi không thành công. Dù có kiến thức chuyên môn vững, nhưng họ thiếu kiến thức tài chính, kinh tế, và thường bị rơi vào bẫy ‘hụt dòng tiền’, dẫn đến việc phải đóng cửa.
Kiến thức tài chính giúp bạn cân đối các khoản đầu tư, dự toán chi phí và quan trọng nhất là quản trị các rủi ro tài chính, đặc biệt là dòng tiền. Cân đối các khoản đầu tư nghĩa là không vung tay quá trán, có một ngân sách đầu tư chỉnh chu, và quan trọng hơn hết là vạch ra được kế hoạch tài chính trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Dự toán chi phí để định ra các mức chi phí vận hành hợp lý, và có những barem để kiểm soát, tránh hao hụt thất thoát. Nhiều cửa hàng F&B vẫn chết dù đông khách, vì họ không quản lý chi phí tốt, dẫn đến hụt dòng tiền, và rồi phải sang nhượng lại. Đừng để bản thân lâm vào hoàn cảnh đó. Hãy trang bị kiến thức tài chính và các phương pháp phân tích tài chính cơ bản, để vận hành doanh nghiệp F&B của bạn hiệu quả hơn.
3. Kiến thức quản trị, vận hành
Vì ngành F&B là một ngành dịch vụ, do đó yếu tố con người là rất quan trọng. Món ngon với giá hợp lý vẫn chưa đủ, khách hàng còn mong muốn nhận được phục vụ tốt. Do vậy, điều hành và giữ cho nhân viên luôn luôn chuyên nghiệp và niềm nở với khách hàng là bắt buộc để một cửa hàng F&B tồn tại. Để làm được điều này, người chủ kinh doanh phải biết cách “dụng nhân”, cách truyền lửa cho nhân viên, để họ làm việc và chăm sóc cửa hàng như là của chính họ.
Ngoài việc làm tốt vấn đề về nhân sự, người chủ cũng cần phải học để hiểu và lập ra các tiêu chuẩn vận hành, để đảm bảo chất lượng phục vụ, và sự công bằng với tất cả các nhân viên. Một tiêu chuẩn vận hành tốt không phải để bắt lỗi nhân viên làm sai, mà phải được xây dựng để giúp nhân viên làm đúng các yêu cầu đặt ra cho họ. Để làm được như vậy, các tiêu chuẩn vận hành phải rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu.
4. Kiến thức về pháp luật
Điều này là bắt buộc, dù cho bạn kinh doanh trong lĩnh vực nào. Pháp luật ở đây bao gồm các vấn đề về doanh nghiệp, thuế, các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, hay vệ sinh an toàn thực phẩm, và cả về luật lao động và an toàn lao động nữa. Đừng nghĩ rằng “thôi từ từ rồi tính”, mà kiến thức về luật pháp sẽ tiết kiệm giúp bạn không ít tiền đầu tư. Bạn nên học về luật doanh nghiệp, rồi cân nhắc mô hình kinh doanh phù hợp cho ý tưởng của bạn. Kiến thức về phòng cháy chữa cháy sẽ giúp bạn chọn lựa mặt bằng đúng, đưa ra những yêu cầu hợp lý với bên thiết kế cửa hàng và hạn chế các rủi ro về sau. Còn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giúp bạn đảm bảo chất lượng món ăn, thức uống. Những hiểu biết về pháp luật là rất quan trọng, có tính sống còn đối với doanh nghiệp.
Khởi nghiệp kinh doanh không hề dễ dàng, nhưng con đường thành công chỉ có một. Hãy kiên trì, cố gắng, và học nhiều nhất có thể. Follow để đọc thêm và cập nhật kiến thức, xu hướng, tài liệu mới trong ngành F&B nhé.
Theo TEAHILLS CO.